Sáp Nha Khoa Là Gì? Phân Loại, Tác Dụng Và Cách Sử Dụng
Trong quá trình niềng răng, khí cụ có thể ma xát làm tổn thương mô mềm, gây đau nhức. Lúc này bạn có thể dùng sáp nha khoa để khắc phục. Sản phẩm này có thiết kế nhỏ gọn, an toàn, dễ sử dụng, giúp bảo vệ răng, nướu, lưỡi trong miệng một cách hoàn hảo. Để có những thông tin cụ thể về loại sáp chỉnh nha và biết cách dùng đúng chuẩn, bạn đọc hãy tham khảo bài viết dưới đây.
Sáp nha khoa là gì?
Sáp nha khoa hay sáp chỉnh nha, sáp niềng răng là sản phẩm được sử dụng cho người niềng răng. Sản phẩm có chất sáp mềm, dễ uốn, màu trắng đục, không mùi vị nên rất dễ sử dụng, không gây cảm giác khó chịu trong khoang miệng. Loại sáp này có chứa thành phần khá lành tính, khoảng 40 – 60% parafin, mật ong thiên nhiên cùng một số chất phụ gia như chất béo, dầu để tạo độ mềm mịn cho bề mặt sáp, vì thế nếu vô tình nuốt phải cũng không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên các bác sĩ vẫn khuyến cáo người dùng nên tháo sáp ra trước khi ăn uống, vệ sinh răng miệng hay đi ngủ.

Sáp nha khoa được dùng phổ biến với một số công dụng như:
- Bảo vệ khoang miệng: Trong quá trình chỉnh nha, đặc biệt là niềng răng mắc cài, dây cung có phần đầu nhọn có thể trồi lên gây tổn thương cho răng, mô mềm. Lúc này sử dụng sáp nha khoa sẽ che chắn, bảo vệ mô mềm không bị khí cụ tác động.
- Giảm đau: Sáp nha khoa thường được đặt tại vị trí vướng khí cụ niềng để giảm cảm giác cộm vướng, tránh cọ xát giữa mắc cài và dây cung trong nướu, môi, mô mềm.
- Kết nối mắc cài, dây cung bị hỏng: Thêm một lợi ích của sản phẩm này đó là có khả năng kết nối các dây cung, mắc cài bị hỏng, giữ khí cụ chắc chắn trong miệng cho đến khi gặp nha sĩ.
5 loại sáp nha khoa tốt nhất hiện nay
Hiện nay trên thị trường đang phổ biến 5 loại sáp nha khoa tốt nhất:
- Ortho Classic: Đây là sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ tại Hoa Kỳ, có chứa các thành phần như Microcrystalline wax, Hydrotreated wax, Paraffin,… Sáp Ortho Classic có 4 mùi vị để bạn lựa chọn theo sở thích như cam, vani, bạc hà và không mùi. Sản phẩm được đựng trong hộp có 5 thanh nhỏ, mỗi thanh dài 5cm. Giá tham khảo khoảng 60.000 đồng/hộp 4 thanh.
- 3M Unitek: Sáp nha khoa 3M Unitek có nguồn gốc từ Mỹ, hiện đang được sử dụng phổ biến tại Việt Nam nhờ công dụng giảm ma sát tốt, bảo vệ lợi, niêm mạc không bị tổn thương bởi mắc cài. Giá tham khảo khoảng 60.000 đồng/hộp 7 thanh.
- Curaprox: Sáp chỉnh nha Curaprox được sản xuất từ Thụy Sĩ, được đánh giá cao về khả năng bám dính, bảo vệ mô mềm trong miệng khi niềng răng. Sản phẩm có hương bạc hà dịu nhẹ, dễ chịu, được thiết kế nhỏ gọn, dễ dàng mang theo bên mình. Giá tham khảo khoảng 175.000 đồng/hộp 7 thanh.
- Dentek: Đây cũng là sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ, chứa các thành phần tự nhiên lành tính, an toàn trong khoang miệng. Đặc biệt sáp Dentek có mùi bạc hà dễ chịu và giá thành khá rẻ, chỉ khoảng 100.000 đồng/hộp 10 thanh.
- Gum Sunstar: Sản phẩm này chứa hàm lượng lớn vitamin E cùng nhiều thành phần khác không gây hại cho răng miệng. Gum Sunstar hỗ trợ giảm đau khi niêm mạc miệng ma sát với mắc cài, đồng thời còn có thể gắn mắc cài bị bung tuột, rất thích hợp để sử dụng cho người đang dùng hàm giả tháo lắp. Giá tham khảo khoảng 70.000 đồng/hộp.

Cách sử dụng sáp nha khoa đúng chuẩn
Quá trình sử dụng sáp niềng răng vô cùng đơn giản, tuy nhiên bạn vẫn cần tuân thủ đúng và đủ các bước theo hướng dẫn để đảm bảo an toàn tuyệt đối, đạt hiệu quả cao:
- Chuẩn bị sáp: Sau khi gắn mắc cài niềng răng, bác sĩ thường đưa cho bạn ít sáp nha khoa để sử dụng. Nếu lượng sáp này quá ít, bạn nên tìm mua tại nhà thuốc hoặc mua online tại các địa chỉ bán uy tín để đảm bảo luôn có đủ sáp nha khoa dùng khi cần thiết.
- Vệ sinh tay: Chú ý rửa tay thật sạch với xà phòng và nước để sát khuẩn, sau đó làm khô tay trước khi dùng sáp, ngăn ngừa vi khuẩn tấn công khoang miệng.
- Vệ sinh răng miệng: Nếu không thể chải răng sạch sẽ, bạn cũng cần làm sạch khoang miệng bằng nước súc miệng, chỉ nha khoa trước khi dùng sáp. Ngoài ra cần làm khô mắc cài để sản phẩm bám chắc chắn, không bị rơi ra trong miệng.
- Đặt sáp: Bạn lấy một lượng sáp vừa đu, vê thành hình tròn trong khoảng 5s để nhiệt độ cơ thể làm sáp mềm ra, dễ gắn lên răng, khí cụ. Sau đó đưa sáp vào vị trí bị đau do mắc cài và miết chặt. Nếu mắc cài tận phía trong của hàm răng, bạn nên dùng ngón trỏ để luồn sâu vào trong, miết sáp dàn đều để dính chắc trên mắc cài.

Lưu ý khi sử dụng sáp nha khoa
Trong quá trình sử dụng sáp nha khoa, bạn cần chú ý một số vấn đề sau:
- Tìm mua sản phẩm ở địa chỉ uy tín, các nhà thuốc lớn, không nên ham rẻ để tránh dùng loại sáp kém chất lượng, gây hại cho răng miệng và tiềm ẩn nguy hiểm nếu nuốt phải.
- Sản phẩm có thiết kế khá nhỏ gọn, vì thế nên mang theo bên mình để sử dụng ngay khi bị đau nhức, cọ xát với mắc cài hoặc khi khí cụ niềng răng bị rơi ra.
- Sáp để lâu trong khoang miệng có thể gây tích tụ vi khuẩn, vì thế không được để sáp trên răng quá 2 ngày nếu không muốn bị sâu răng, viêm lợi cùng nhiều vấn đề nha khoa khác.
- Sáp chỉnh nha có thể làm đọng hoặc thấm thức ăn, vậy nên nếu không quá đau đớn, bạn có thể bỏ sáp ra khi ăn nhai và lắp lại sau đó.
- Không cần dùng sản phẩm suốt quá trình niềng răng, chỉ sử dụng những lúc đau nhức, khó chịu do mắc cài cọ xát vào mô mềm hoặc trong trường hợp thực sự cần thiết.
- Luôn đặt sản phẩm trong hộp kín và bảo quản ở nơi khô thoáng, sạch sẽ, tránh nơi có nhiệt độ cao, không để ánh nắng chiếu trực tiếp.
- Nếu sáp bị mềm do thời tiết quá nóng, bạn nên cho vào tủ lạnh khoảng 10 phút trước khi dùng.
- Thận trọng khi dùng sáp chỉnh nha cho trẻ em vì chúng có khả năng rơi vào đường thở gây nguy hiểm.
- Với trường hợp răng sứt mẻ hoặc gãy vỡ, không dùng sáp để gắn lại răng, sản phẩm này chỉ giảm tổn thương cho mô mềm do mẻ răng, không phải giải pháp lâu dài.
Tóm lại, sáp nha khoa là một sản phẩm khá hữu ích, có thể giúp bạn xử lý nhanh chóng vấn đề tổn thương, đau nhức trong miệng do khí cụ niềng răng, bảo vệ khoang miệng hiệu quả. Mặc dù sản phẩm khá an toàn kể cả khi nuốt phải, tuy nhiên bạn vẫn nên cẩn thận khi sử dụng. Đặc biệt tìm mua sáp ở địa chỉ uy tín, tránh dùng sáp nha khoa rẻ, kém chất lượng gây hại cho sức khỏe răng miệng và tổng thể.
Xem thêm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!