Hành trình trở thành bác sĩ nội trú
Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi
Bác sĩ Thùy Anh
Giám đốc Trung tâm Niềng răng thẩm mỹ Quốc tế – ViDental Brace
Hôm nay, facebook nhắc lại kỷ niệm của 10 năm trước, tôi đã có một kỷ niệm vô cùng đáng nhớ trong ngày Matching Day – ngày mà các bác sĩ đỗ nội trú sẽ lựa chọn ngành học để theo đuổi, tiếp tục với hành trình dành ra thêm 3 năm thanh xuân để tiếp tục rèn luyện chuyên sâu tại bệnh viện.
Nhớ lại, tôi vẫn thấy vô cùng bồi hồi và hạnh phúc. Có thể các bạn chưa biết, trở thành bác sĩ nội trú là mơ ước hầu hết các sinh viên HMU khi bắt đầu bước chân vào trường Y. Và đây cũng chính là động lực giúp tôi cố gắng vượt qua 6 năm tại trường, học hành chăm chỉ để vượt qua các kỳ thi bác sĩ nội trú vô cùng khắc nghiệt tại trường Đại học Y Hà Nội.
Giải thích cho bạn nào chưa biết, bác sĩ nội trú là một chương trình đào tạo đặc biệt dành cho các cử nhân Y khoa hệ chính quy và muốn học lên cao hơn. Tuy nhiên, do số lượng tuyển chọn vô cùng hạn chế nên các bạn sẽ phải trải qua một kỳ thi rất khắc nghiệt để chọn lọc ra những người đủ điều kiện.
Mỗi sinh viên Y khoa sau khi tốt nghiệp chỉ được thi Nội trú duy nhất 1 lần trong đời, nếu thi trượt sẽ không được thi lại. Ngoài ra, độ tuổi thi nội trú cũng bị giới hạn dưới 27 tuổi, trong suốt 6 năm Đại học không được trượt hoặc thi lại bất kỳ một môn học nào. Điểm tổng kết cho tất cả cá môn thi nội trú phải từ 7.0 điểm trở lên. Đây là những điều kiện cơ bản, trên thực tế sẽ có những yêu khác tùy thuộc vào từng năm và chuyên ngành.
Những lời khuyên dành cho các bạn sinh viên trường Y đang có mục tiêu trở thành bác sĩ nội trú, đó là: 6 năm học tập tại trường Y là một cuộc chiến trường kỳ, lượng kiến thức cần học cũng rất nhiều nên sẽ không có một con đường tắt nào có thể đi đến đích ngoài việc chúng ta phải thực sự nỗ lực, kiên trì, cố gắng không biết mệt mỏi và luôn có niềm tin thì sẽ đạt được mục tiêu như mình mong muốn.
- Kiên trì: Để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi nội trú, bạn nên bắt đầu “làm quen” với việc ôn thi từ năm thứ 4 hoặc thứ 5 và đảm bảo học thật chắc kiến thức ở những môn học cơ sở phía dưới.
- Có phương pháp học tập hiệu quả: Để tiếp thu kiến thức tốt hơn, bạn hãy áp dụng học theo sơ đồ tư duy, phân loại kiến thức để tiếp thu một cách hiệu quả, việc học tập sẽ trở lên dễ dàng hơn rất nhiều.
- Luôn nỗ lực: học tập và thi nội trú là một hành trình khá dài và yêu cầu nhiều sự nỗ lực, không chỉ ôn thi nội trú mà các sinh viên Y6 vẫn phải làm khóa luận tốt nghiệp, đi trực và học thi các môn chuyên ngành khác.
Sau khi vượt qua kỳ thi Bác sĩ nội trú và lựa chọn chuyên ngành, các tân cử nhân sẽ được tiếp tục đào tạo trong vòng 3 năm và sau khi tốt nghiệp sẽ được trao 2 bằng là Bác sĩ nội trú và Thạc sĩ y khoa.
Vậy bác sĩ nội trú sẽ làm những công việc gì?
Đúng như cái tên của nó, khi học nội trú, các bác sĩ sẽ dành ra rất nhiều thời gian ở bệnh viện và khám chữa bệnh như một bác sĩ thực sự.
- Khám và điều trị bệnh: Trong thời gian này, bác sĩ nội trú sẽ được tham gia khám bệnh cho bệnh nhân, kết luận về tình trạng bệnh và những phương án điều trị phù hợp.
- Hỗ trợ các công việc chuyên môn liên quan như: trực cấp cứu, đọc kết quả trong phòng thí nghiệm, trả lời thắc mắc của người bệnh,…
- Nghiên cứu về các tình trạng bệnh lý: các bác sĩ nội thường có hoạt động tham gia nghiên cứu kết quả khám bệnh. Từ đó có thể tìm ra nguyên nhân và các phương pháp điều trị, nghiên cứu điều chế vaccine nếu cần thiết.
Khác với những công việc công sở làm việc 8 tiếng thì công việc của các bác sĩ sẽ trải dài rất nhiều thời gian. Ngoài ra còn phải đi trực ca đêm, do đó cần xác định hy sinh thời gian và cần có niềm đam mê với công việc để vượt qua những lúc khó khăn, vất vả khi có những lịch học, lịch thi cử triền miên. Đôi khi bạn cũng phải hy sinh thời gian ở cạnh bên gia đình, người yêu.
Hy vọng rằng với việc xác định mục tiêu rõ ràng, trang bị cho mình đủ mục tiêu và đam mê với nghề để có thể khiến các bạn đạt được mục tiêu mà mình mong muốn, trở thành một bác sĩ nội trú tương lai.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!