Răng Bị Mẻ Có Sao Không? 3 Cách Khắc Phục Tốt Nhất
Răng bị mẻ là hiện tượng có thể gặp với bất kỳ đối tượng nào, do nhiều nguyên nhân gây ra. Tình trạng này nếu không được xử lý sớm sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, thậm chí mất răng vĩnh viễn. Ở bài viết dưới đây bạn đọc có thể tìm hiểu về cách xử lý tốt nhất khi răng sứt mẻ, nứt vỡ cùng một số thông tin liên quan.
Nguyên nhân khiến răng bị mẻ
Răng bị mẻ là tình trạng mất một phần nhỏ trong cấu trúc răng mọc ngoài hàm hoặc có thể mất cả phần chân răng. Vị trí mẻ răng thường ở vùng đỉnh múi răng hoặc ở cạnh cắn. Trên thực tế men răng chỉ là thành phần khoáng hóa bao phủ trên bề mặt răng, mặc dù khá chắc chắn nhưng cũng bị giới hạn về độ bền, sức chịu đựng nên chỉ khi có một vài tác động cũng khiến nó bị sứt mẻ.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến răng bị mẻ, thường gặp nhất là:
- Nghiến răng: Thói quen nghiến răng thường xuyên, đặc biệt là khi ngủ sẽ khiến răng bị mài mòn, dần suy yếu và dễ nứt mẻ.
- Chấn thương: Nếu hàm răng bị va đập vào vật cứng hoặc một số trường hợp có tác động lực mạnh từ ngoài vào sẽ dễ bị mẻ.
- Cắn vật cứng: Một trong những nguyên nhân khá phổ biến khiến răng bị mẻ đó là ăn nhai vật cứng, dùng răng cắn đồ vật cứng.
- Mắc bệnh lý răng miệng: Những người có bệnh nha khoa như viêm nha chu, viêm tủy, sâu răng cũng khiến răng bị nhạy cảm hơn bình thường, dễ bị sứt mẻ trong quá trình nhai thức ăn.
- Chế độ ăn uống không phù hợp: Răng sẽ dễ gãy vỡ nếu ăn uống không đủ chất, bị thiếu canxi ở răng hoặc ăn quá nhiều thực phẩm có tính axit như cam, chanh, dưa chua, cà muối, kim chi khiến răng bị mài mòn tự nhiên, yếu và nhạy cảm hơn.
Răng bị mẻ có sao không?
Khi răng bị mẻ, bạn nên sớm tìm biện pháp xử lý để tránh gặp những hệ lụy như:
- Giảm thẩm mỹ hàm răng: Một trong những hệ lụy có thể thấy rõ nhất khi răng bị sứt mẻ, nứt vỡ đó là mất thẩm mỹ, đặc biệt là răng cửa, răng nanh.
- Ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai: Các răng bị mẻ khiến quá trình ăn uống gặp khó khăn, không thể nhai, cắn xé thức ăn, đặc biệt là thực phẩm dai cứng. Từ đó người bệnh sẽ cảm thấy chán ăn, ăn không ngon, tăng nguy cơ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
- Lộ ngà răng, tủy răng: Khi răng bị sứt mẻ hoặc gãy vỡ sẽ xuất hiện vết nứt nhỏ ở men răng, lúc này ngà răng bị lộ ra ngoài, thậm chí có thể lộ cả tủy răng. Trong trường hợp phần ngà hoặc tủy này tiếp xúc với không khí, nhiệt độ, thức ăn sẽ gây ra tình trạng đau nhức, ê buốt khó chịu.
- Hỏng tủy: Nếu phần tủy răng bị lộ ra ngoài do răng sứt mẻ, không được xử lý sẽ tăng nguy cơ chết tủy và mất hoàn toàn các dây thần kinh liên kết đến chân răng.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh lý nha khoa: Khi răng bị mẻ tức là bề mặt răng đã trở nên sắc nhọn, dễ gãy, gây ra tổn thương đến cấu trúc mô mềm trong khoang miệng, kéo theo đó là sự hình thành, tấn công của vi khuẩn gây sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu,…
Xử lý răng bị mẻ tại nhà
Răng bị mẻ cần xử lý sớm để bảo vệ tốt cho sức khỏe cả hàm răng, tránh gây ra những hệ lụy xấu. Trong trường hợp răng mẻ ít, bạn cần xử lý tại nhà với các cách như sau:
- Khạc nhổ mảnh vỡ ra ngoài: Ngay sau khi phát hiện răng sứt mẻ, bạn nên khạc nhổ để đẩy hết mảnh vỡ trong miệng ra ngoài, tránh nuốt vào trong. Nếu bị mẻ răng khi đang nhai thức ăn, cần nhổ cả miếng thức ăn, không nên tiếp tục nhai có thể làm tổn thương nướu răng, thậm chí mảnh nhọn đi vào bên trong gây hại cho các cơ quan ở hệ tiêu hóa,
- Không chạm vào gờ răng bị nứt vỡ: Gờ răng bị nứt vỡ lúc này khá sắc nhọn, nếu dùng tay hoặc lưỡi tác động vào có thể bị chảy máu. Bạn nên đặt cục bông gòn vào phần răng bị mất, cắn chặt để ngăn vi khuẩn tấn công.
- Súc miệng: Mẻ răng khiến phần ngà răng, tủy răng bị lộ ra ngoài, vi khuẩn dễ tấn công, do đó bạn hãy súc miệng bằng nước muối để hỗ trợ làm sạch gờ răng, ngăn ngừa tổn thương nghiêm trọng, sau đó cắn chặt cục bông mới.
- Giữ lại mảnh răng vỡ: Bạn nên giữ lại mảnh răng vỡ nếu có thể để giúp bác sĩ hàn răng dễ dàng hơn. Chú ý bảo quản mảnh vỡ trong hộp kín, đảm bảo vệ sinh.
- Che phủ gờ răng sắc nhọn: Nếu chưa thể gặp bác sĩ, hãy dùng kẹo cao su không đường hoặc sáp nha khoa để che phủ gờ răng sắc nhọn, tránh tổn thương mô mềm bên trong miệng.
- Gặp bác sĩ sớm: Sau khi sơ cứu răng bị sứt mẻ, bạn nên đến các cơ sở nha khoa uy tín để bác sĩ xử lý, tránh vi khuẩn xâm nhập gây vấn đề về răng miệng hoặc mất răng vĩnh viễn.
Cách cách phục răng bị mẻ tại nha khoa
Đa số các trường hợp răng bị mẻ sẽ được bác sĩ khắc phục bằng phương pháp trám răng, bọc răng sứ hoặc dán sứ Veneer.
Trám răng
Trám răng chỉ áp dụng với trường hợp răng bị sứt mẻ kích thước nhỏ, khi đó bác sĩ sẽ sử dụng vật liệu Composite để đắp bên ngoài răng, tạo hình cho thân răng để khôi phục hình dạng ban đầu. Sau đó bác sĩ chiếu tia sáng cực tím để làm khô cứng vị trí trám.
Ưu điểm:
- Tiết kiệm thời gian và chi phí hơn các phương pháp khác, chỉ mất khoảng 20 – 30 phút để trám 1 răng.
- Trám răng giúp khôi phục tính thẩm mỹ và khả năng ăn nhai cho khách hàng.
- Không gây đau đớn và không gây xâm lấn răng thật.
Nhược điểm: Miếng trám không bền, có thể bong ra sau một thời gian ngắn sử dụng, khi đó bạn cần đến nha khoa một lần nữa.
Dán sứ Veneer
Dán sứ Veneer cũng phù hợp với tình trạng sứt mẻ răng nhẹ hoặc bị mòn mặt nhai. Bác sĩ sẽ mài mặt ngoài của răng theo một tỷ lệ đã tính toán từ trước, sau đó gắn mặt sứ lên trên bằng keo chuyên dụng.
Ưu điểm:
- Không mài nhiều răng thật như bọc răng sứ.
- Giúp khách hàng lấy lại tính thẩm mỹ cùng khả năng ăn nhai như bình thường.
- Tuổi thọ sử dụng khoảng 7 – 10 năm, bền hơn phương pháp trám răng.
Nhược điểm:
- Chi phí thực hiện cao.
- Kỹ thuật thực hiện phức tạp, yêu cầu bác sĩ có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng tốt.
Bọc răng sứ
Bọc răng sứ thường được áp dụng trong trường hợp răng mẻ giúp khôi phục hình dáng của răng, mang đến cho bạn hàm răng trắng sáng, đều đẹp. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ mài cùi răng bị mẻ theo một tỷ lệ nhất định, sau đó bọc răng giả ra ngoài, cố định bằng keo nha khoa chuyên dụng.
Ưu điểm:
- Bọc sứ cho răng mẻ giúp khôi phục chức năng ăn nhai cùng tính thẩm mỹ, bạn sẽ sở hữu được hàm răng trắng sáng, đều đẹp.
- Bảo vệ răng thật trước sự tấn công của vi khuẩn, tác nhân gây hại từ bên ngoài.
- Răng sứ có tuổi thọ sử dụng từ 10 – 20 năm tùy vào chất liệu mão sứ, nếu chăm sóc tốt có thể duy trì hơn 20 năm.
Nhược điểm:
- Bác sĩ buộc mài cùi răng làm trụ nên sẽ xâm lấn một phần cấu trúc răng thật.
- Thời gian thực hiện lâu hơn trám răng và dán sứ Veneer
- Chi phí cao.
Phòng tránh răng bị mẻ như thế nào?
Để phòng tránh răng bị sứt mẻ, bạn cần chú ý một số vấn đề sau:
- Nên vệ sinh răng miệng đúng cách, chải răng đúng kỹ thuật, sử dụng bàn chải lông mềm tác động vào răng theo chiều dọc để loại bỏ thức ăn thừa, mảng bám tốt hơn, không nên chải răng theo chiều ngang sẽ làm mòn men răng.
- Sử dụng chỉ nha khoa để lấy đi mảng bám, thức ăn ở kẽ răng thay cho tăm tre để tránh răng bị thưa, yếu, dễ sứt mẻ.
- Loại bỏ thói quen nghiến răng khi ngủ, dùng răng cắn bút, mở nắp chai hay xé bao bì thực phẩm.
- Nên tăng cường bổ sung thức ăn có chứa nhiều canxi giúp răng chắc khỏe, khó bị sứt mẻ khi có tác động từ môi trường bên ngoài.
- Bạn cần hạn chế ăn đồ ăn quá dai, cứng, đồ ngọt hay thực phẩm chứa hàm lượng lớn axit vì chúng đều làm mòn men răng, tăng nguy cơ răng sứt mẻ, gãy vỡ.
Răng bị mẻ không phải là tình trạng quá nghiêm trọng nhưng vẫn có thể gây hại cho sức khỏe răng miệng, làm giảm khả năng ăn nhai, tăng nguy cơ mắc bệnh nha khoa. Vì thế bạn nên có cách chăm sóc tốt tại nhà, đặc biệt nếu phát hiện răng sứt mẻ cần nhanh chóng đến nha khoa để bác sĩ tư vấn cách xử lý phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!